Rượu Bầu Đá Bình Định Chính Gốc “Đệ Nhất Danh Tửu”

Rượu bầu đá Bình Định được mệnh danh là “Đệ Nhất Danh Tửu” bởi hưởng vị ấn tượng không đâu sánh bằng, chỉ uống một lần sẽ nhớ mãi không quên. Từ thời xưa, loại rượu này vốn chỉ được đem để dâng Vua chúa, quan lại, nhưng người có tiền có quyền. Hương men say nồng của rượu còn đi vào vào trang thơ nổi tiếng càng thể hiện rõ sức quyến rũ của loại “quốc tửu” này.

Nguồn gốc rượu bầu đá Bình Định

Nếu đã đặt chân đến Bình Định một lần chắc chắn bạn sẽ được thưởng thức qua rượu Bầu đá hay cũng có nơi gọi là bàu đá. Đây là loại rượu được đánh giá là  “quốc tửu” của Việt Nam bởi hương vị đặc biệt không thể lẫn đi đâu được. Khi uống rượu Bầu đá, bạn sẽ không hề cảm thấy đau đầu mệt mỏi như các loại rượu đế thông thường, trái ngược lại có cảm giác thoải mái, khoan khoái, dễ chịu hơn rất nhiều, tất nhiên khi uống với một lượng vừa đủ.

Rượu bầu đá Bình Định
Rượu bầu đá Bình Định được mệnh danh là quốc tửu của Việt Nam bởi hương vị cực kỳ đặc biệt

Tương truyền rằng xưa kia rượu bầu đá Bình Định vốn chỉ được làm để tiến cống lên vua Chế Mân và chỉ những người có quyền thế lớn mới có thể được thưởng thức loại rượu thượng hạng này. Bởi nguồn nước để nấu rượu phải được lấy từ bàu đá tại xóm Tân Long, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định mới có thể ra được hương vị đúng chuẩn nên lượng rượu được sản xuất ra rất hạn chế. Điều này càng làm tăng thêm sự quý giá của loại rượu này trước đây.

Người đã nấu ra loại rượu này thành công có tên là Hương Lễ – một người ở đất Sơn Tây phiêu bạt về Tân Long. Ban đầu bàu ( tiếng địa phương hay còn gọi là ao/ trũng) vốn được dùng để dùng làm nước sinh hoạt nhưng khi được Hương Lễ nấu thành rượu theo công thức từ thời vua Quang Trung thì đã đem lại kết quả bất ngờ. Từ đó người dân nơi đây được ông truyền nghề lại và hình thành làng nghề. Người dân nơi đây cũng lấy luôn tên Bàu đá để đặt cho loại rượu này.

Một truyền thuyết khác về rượu bầu đá Bình Định cũng được nhân dân truyền tai lại là liên quan đến một người phụ nữ tên Đấu. Theo đó gia đình chị Đấu vốn có truyền thống nấu rượu theo công thức từ thời vua Quang Trung. Sau khi lấy chồng chị chuyển từ Tây Sơn đến xóm Tân Long, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định sinh sống. Khi sử dụng nguồn nước giếng tại đây thì đem đến một hương vị cực kỳ thơm ngon, độc đáo không đâu sánh bằng. Người dân ở đây sau khi được chị truyền nghề lại thì lấy tên chị đặt cho loại rượu này là Bầu đá ( nói lái lại là Bà Đấu).

Rượu bầu đá Bình Định
Các truyền thuyết về nguồn gốc rượu đều nằm tại nguồn nước tại xóm Tân Long, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định

Dù là theo truyền thuyết nào cũng có thể thấy thứ làm nên hương vị này không chỉ là công thức mà còn chính là nguồn nước tại xóm Tân Long, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Hiện nay dòng nước gốc được sử dụng để nấu rượu tại đây đã bị cạn kiệt do bị phù sa bồi đắp cũng như con người sử dụng quá nhiều, dấu tích còn lại chỉ là một ao cạn trồng rau muống. Ngoài ra gần đó vẫn còn một ngôi miếu cổ được người dân làng nghề thường xuyên thời cúng “miễu Bàu Đá”.

Dù dòng nước tại bàu đã cạn kiệt nhưng may mắn là mạch nước ngầm của bàu vẫn còn đó. Dòng nước này xuất phát từ ngọn nguồn sông Kôn dài 171km, đã được ủ lạnh và chắt lọc nhưng dòng nước tinh khiết quý giá thông qua các hộc đá ngầm ở Vực Bà, Nước Miên, Nước Trinh, sông Kxôm, Hầm Hô để mang đến một hương vị đặc trưng cho rượu Bầu đá Bình Định. Người dân ngày nay sẽ tìm mạch nước ngầm đào giếng để nấu rượu.

Cách nấu rượu bàu đá Bình Định

Nguồn nước là yếu tố đã có sẵn nhưng quan trọng không kém chính là công thức nấu rượu. Hiện nay mỗi hộ gia đình đã đều có những công thức riêng, được di dịch một chút cho với công thức ban đầu để tạo một nét riêng cho thương hiệu của mình. Một số lò nấu rượu bàu đá nổi tiếng hiện nay như Lò rượu Phạm Gia, Năm Phượng, Lâm Xuân Mười, Ba Trương ..

Rượu bầu đá Bình Định
Cách nấy rượu cực kỳ công phu và tỉ mỉ, cần phải lựa chọn các nguyên liệu kỹ càng

Để nấu thành công một mẻ rượu bầu đá Bình Định đòi hỏi rất nhiều yếu tố như nguồn nước phải tuyệt đối là nước từ ngọn nguồn sông Kôn nhưng phải được lấy giếng bộng đất nung, giếng đá ong chứ chứ không được dùng nước được lấy từ giếng bê tông xi măng nếu không rượu sẽ bị thay đổi về mùi vị và màu sắc, người sành rượu chỉ cần nhìn màu rượu hoàn toàn có thể nhận ra điều này.

Ngoài ra quy trình chọn nguyên liệu, chế biến men phải được làm thủ công được giã mịn bằng tay, không được dùng máy móc. Men được dùng nấu rượu ngon nhất là men Bình Hóa, Đập Đá, Bả Cảnh, tuyệt đối không được dùng men trung Quốc. Cơm rượu thường làm từ gạo, nếp hay đậu xanh, tùy từng thương hiệu nhưng thường dùng đậu xanh là khó nhất. Cơm rượu phải được nấu chín đều, hạt nào hạt nấy nở tơi xốp, không được não hay cháy khét, nếu gặp các tình trạng này đều phải đổ bỏ.

Nồi được dùng để nấu rượu phải là dùng nồi đồng (không dùng nồi nhôm hay nồi gang) đồng thời nắp đậy sẽ làm bằng đất nung và cất rượu phải bằng ống tre. Quá trình ủ men và kỹ thuật đun lửa cũng là yếu tố rất quan trọng tạo nên hương vị thơm ngon quyến rũ không thể chối từ của rượu bàu đá Bình Định.

Một điều thú vị khác ảnh hưởng đến hương vị rượu bàu đá chứ Nẫu chính là thời điểm lấy nước nấu rượu. Theo những người nấu rượu lâu năm, thường nước được nấu rượu trong tháng 2 – 4 âm lịch là ngon nhất bởi dòng nước lúc này cực kỳ mát lành và trong trẻo. Vào mùa nóng, dòng nước cũng nóng theo khiến chất lượng rượu có phần giảm đi đôi chút, tuy nhiên nếu không phải một người sành sỏi thì cũng ít khi nhận ra điều này.

Cụ thể quy trình nấu rượu bầu đá Bình Định được thực hiện như sau

  • Cho gạo hay nếp hay đậu xanh vào nồi đồng nấu thành cơm rượu. Chú ý điều chỉnh lửa nhỏ liu riu sao cho đảm bảo nồi hèm cơm rượu sôi lăn tăn nhè nhẹ, như thế hơi rượu mới có thể tỏa đều, cơm chín vừa vặn, tất cả các hạt đều tơi xốp, không bị nhão và không bị khê. Cơm chín đem phơi trên một cái nia rồi để nguội.
  • Men rượu giãn mịn bằng tay sau đó rây lại rải đều trên lớp cơm rượu vừa nấu đã để nguội
  • Cho cơm rượu đã rải men vào vò gốm và đậy lá chuối kín ở trên. Ủ liên tiếp trong 03 ngày 03 đêm
  • Cho nước được lấy từ giếng ngầm đạt chuẩn vào  02 ngày 02 đêm nữa, có thể di dịch tùy vào thời tiết
  • Nấu  cơm rượu trong vòng 6 tiếng đồng hồ mới cho ra một mẻ rượu bầu đá Bình Định đúng chuẩn
  • Rượu sau khi nấu xong sẽ được lưu trữ trong vại sành để đảm bảo đúng hương vị

Chính bởi sự tỉ mỉ và khắt khe trong từng công đoạn này đã đem đến cho hương vị rượu bàu đá một sự vương vấn khó quên. Rượu bàu đá thường khoảng 50- 52 độ, tuy nhiên người nấu rượu lâu năm thường không cần thực hiện các biện pháp đo nồng độ rượu mà chỉ cần lắng nghe tiếng rơi của rượu trong vại sành hoặc nhìn màu sắc, ngửi mùi hương từ rượu.

Rượu bầu đá Bình Định – muốn ngon phải biết cách thưởng thức

Dù có nồng độ rất cao nhưng khi uống rượu Bầu đá sẽ không khiến bạn cảm thấy đau đầu choáng váng mà ngược lại đem đến cho bạn cảm giác cực kỳ sảng khoái. Thứ quốc tửu này còn đem đến tác dụng giãn gân cốt, trị nhức mỏi xương khớp không kém gì các loại rượu nhân sâm hay linh chi. Uống 1- 2 ly rượu nhỏ và ngủ qua 1 đêm bạn sẽ thấy cơ thể hoàn toàn khỏe khoắn và tràn đầy năng lượng.

Rượu bầu đá Bình Định
Rượu bầu đá phải được rót đúng cách, rượu phải nổi bọt trắng mới đúng chuẩn

Một điểm đặc trưng khiến loại rượu này vốn được Vua chúa ưa chuộng chính là cách thưởng rượu cực kỳ khác biệt. Người uống rượu bầu đá Bình Định phải biết cách rót rượu sao cho nghe tiếng rượu trong veo, rượu chạm ly tung bọt trắng xóa, mùi hương toat ra nồng nàn kích thích toàn bộ giác quan của cơ thể mới thực là đúng cách. Bởi thế mà nhà thơ Văn Thắng đã viết

Nghiêng bầu ta rót giọt men cay
Thánh thót, trong veo, bọt trắng đầy
Chạm cốc, thân bằng vui thưởng lãm
Hương tình Bàu Đá giọt nồng say!

Rượu bầu đá thường được đựng trong các bình có vòi hoặc cổ cao bằng sành. khi rót bạn sẽ đưa bình lên cao rồi nghiêng một góc phù hợp để dòng nước chảy thẳng xuống ly, lúc này rượu trong ly sẽ có một bề mặt tung bọt trắng xóa, tuy nhiên không nên để nước chảy hay bắn ra khỏi ly. Người uống rượu bàu đã quen đá nên nên nhấp nhỏ với vài ngụm đầu để kích thích vị giác sau đó mới uống nguyên chén. Người không rành uống rượu có thể pha với một chút nước để giảm nồng độ trước, sau đó mới uống cả để quen dần với hương vị này hơn.

Đưa chén rượu lên miệng mùi hương nồng nàn kích thích toàn bộ vị giác, nhấp một ngụm rượu vị cay nồng chạy toàn khắp cơ thể đem đến một cảm giác lâng lâng cực kỳ thú vị. Uống rượu bàu đá nhất định phải khà một cái mới thực sự đúng chất.

Chú ý rượu bầu đá khi đã rót ra nên uống liền để giữ trọn vẹn được các hương vị của rượu, không nên để ngâm nga trò chuyện sẽ lam rượu bị đục đi, mất đi màu sắc trong veo vốn có. Bảo quản rượu đúng cách cũng nên để trong bình hay ấm sành hoặc cũng có thể để dùng bình thủy tinh, không nên để trong bình nhựa.

Với những đặc điểm đặc biệt của mình, rượu bầu đá Bình Định thường rất dễ bị làm hàng giả, hàng nhái sử dụng các nguyên liệu Trung Quốc hoặc không pha được với nước. Do đó bạn nên tìm mua rượu bàu đá tại những địa chỉ chính gốc, tìm mua từ các làng nghề gốc ở Bình Định, đặc biệt trong những lần đầu để đảm bảo được thưởng thức hương vị đạt chuẩn nhất.

Rượu bầu đá Bình Định rất thích hợp để làm quà tặng, quà biếu cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Khi đã có cơ hội đến với xứ Nẫu, chắc chắn bạn không nên bỏ qua cơ hội thưởng thức hương vị độc đáo này.

Ngày đăng 8:50 - 07/09/2021 - Cập nhật lúc:06:47 chiều

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *