10 Loại Rượu Truyền Thống Việt Nam Đặc Sản Nổi Tiếng Các Vùng Miền
Thật không ngoa khi nói Việt Nam chính là thiên đường của các loại rượu. Dọc khắp các tỉnh thành, đến mỗi vùng miền bạn lại có cơ hội thưởng thức các loại rượu truyền thống Việt Nam khác nhau, tùy theo đặc trưng của từng địa phương đó là gì chẳng hạn như loại gạo, loại men hay thậm chí là nguồn nước. Chính sự đa dạng trong văn hóa vùng miền, ẩm thực cùng thiên nhiên tươi đẹp đã níu chân biết bao du khách trên khắp thế giới khi đến với Việt Nam.
Top 10 loại rượu truyền thống Việt Nam đặc sản nổi tiếng các vùng miền
Đi khắp 4 miền tổ quốc, thật khó để nói chính xác rằng nơi đâu là nơi có loại rượu truyền thống Việt Nam ngon nhất bởi hương vị mỗi nơi mỗi khác, mang đậm màu sắc của địa phương đó. Người Việt Nam đi đâu cũng hoàn toàn có thể tự hào rằng nơi mình ở là nơi nấu rượu ngon nhất, sử dụng những nguyên liệu chất lượng nhất và mang đậm hương vị truyền thống nhất.
Mỗi vùng miền lại có những đặc điểm khác nhau về nguồn nước, chất lượng gạo, không khí, nhiệt độ.. Điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến hương vị rượu, ai tinh ý sẽ có thể nhận ra ngay. Bởi thế mà Việt Nam có không hề ít các “thương hiệu” rượu truyền thống. Dưới đây là tổng hợp 10 loại rượu đặc sản nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon, ấn tượng, được nhiều người ưa chuộng.
Rượu bầu đá Bình Định
Nhắc đến rượu truyền thống Việt Nam mà không nhắc đến rượu Bầu đá Bình Định quả thực sẽ là một thiếu sót to lớn. Hương vị rượu xứ Nẫu đã đi vào bao dòng thơ, thậm chí còn được xếp vào hàng “tứ tửu” bởi cực kỳ ấn tượng. Nồng độ rượu cao nhưng lại không quá gắt, không bị nóng bỏng cổ như các loại rượu khác. Người ta rất chuộng dùng loại rượu này để ngâm cùng thảo dược vừa thơm, vừa ngọt lại trung hòa được hết các tinh chất từ dược liệu.
Loại rượu này vừa thơm, vừa cay, vừa ngọt ở cái hậu vị, uống vào không thấy say, hoặc cho dù có say cũng chẳng hề gây nôn ói, đau đầu. Ngược lại chỉ cần ngủ một giấc tỉnh dậy là thấy toàn thân tỉnh táo, khỏe khoắn hơn cả. Các chị em thì chuộng rượu bầu đá đậu xanh hơn vì nhẹ độ hơn, ngọt hơn lại có cái vị thơm bùi từ đậu xanh nên uống rất “đã”.
Điểm đặc biệt làm nên thương hiệu rượu Bầu đá chính là cách nấu cực kỳ công phu và tỷ mỉ. Để nấu rượu Bầu đá thành công bắt buộc phải sử dụng nguồn nước tại Cù Lâm, thôn Bàu Ðá, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn mới có thể cho ra chuẩn vị. Cho dù bạn dùng đúng công thức, đúng nguyên liệu thế nào nhưng không sử dụng nước tại đây thì cũng không thể nào cho ra được hương vị đặc trưng của rượu Bầu đá.
Quy trình nấu rượu cũng khá tỉ mỉ, phải mất từ 6 – 7 ngày tùy thời tiết, nhiệt độ. Các nguyên liệu khác cũng hầu như được chuẩn bị thủ công theo công thức riêng biệt được truyền nhau từ nhiều đời. Hầu hết đi dọc Bình Định bạn đều có thể tìm mua loại rượu này dễ dàng, tuy nhiên để đảm bảo đúng loại rượu bầu đá Bình Định Việt Nam thì hãy đến đúng làng nghề truyền thống rượu bầu đá Cù Lâm nhé!
Rượu Gò Đen Long An – Rượu truyền thống Việt Nam
Rượu Gò Đen được lấy tên từ vùng đất đã làm nên hương vị tuyệt hảo này chính là vùng đất Gò Đen thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Nơi đây vốn nổi danh vì có rất nhiều lò nấu rượu ngon, khi xưa vào thời thuộc Pháp thì người ta thường lén lút nấu rượu đế nơi gò cao, tối tăm, lâu ngày các gò đất này bị cháy đen nên được đặt là Gò Đen. Cũng có rất nhiều truyền thuyết khác được xoay quanh cái tên đặc biệt này.
‘Rượu Gò đen được mệnh danh là “đệ nhất tửu” của miền Tây Nam Bộ mà không người con miền Tây nào chưa thử qua. Rượu được nấu từ cái tâm của người miền Tây xởi lởi phóng khoáng, luôn lựa chọn những hạt nếp mẩy căng tròn, không bị hư hỏng gì mới đem đi nấu. Rượu được làm 100% từ nếp và men gia truyền trong đó người ta thường dùng nếp mỡ, nếp mù u hay nếp than được trồng ở địa phương nên rất an toàn.
Bên cạnh đó, rượu Gò Đen còn được ưa chuộng bởi không cồn, vị ngọt thơm, dù có say không váng đầu. Rượu để càng lâu sẽ càng trong, uống càng ngon hơn. Bởi thế nhà người Long An, người miền Tây nào cũng trữ vài vại rượu Gò Đen để uống dần.
Rượu cần Ê Đê Ban Mê (Đắk Lắk)
Nếu đã đi qua miền Trung, miền Tây thì không thể không đi lên vùng núi cao Tây Nguyên để thưởng thức rượu Cần Ê Đê. Đây là một trong những loại rượu truyền thống Việt Nam nổi danh khắp thế giới không chỉ bởi hương vị thơm ngon đặc biệt mà còn nằm ở cách thưởng thức. Người ta không uống rượu cần bằng ly, tách như bình thường mà sẽ dùng vòi làm từ uống tre, cho chung vào bình rượu để uống cùng nhau.
Cách làm rượu cần cũng rất đặc biệt, không phải nhà nào cũng giống nhà nào. Tuy nhiên công thức chung sẽ đều là dùng gạo lứt, men trái cây, trấu và được bảo quản trong ché ( bình sành để đựng rượu). Men rượu thường được làm từ lá cây, rễ cây đào từ rừng sâu như gừng, riềng, cao thảo hay rễ cây chít.. Mỗi ché rượu thường được bịt miệng bằng tro bếp đã nhồi với nước hoặc bịt bằng lá chuối, để gần bếp trong 10 ngày là có thể dùng được ngay.
Những người đồng bào Tây Nguyên dù nhà có khó khăn thế nào thì trong nhà lúc nào cũng phải có một bình rượu cần để đem ra tiếp khách quý. Hương vị rượu cần còn tùy thuộc vào nguyên liệu của từng dân tộc, từng nhà nhưng khi uống vào sẽ vừa thấy được vị ngọt đắng, nồng ấm, sảng khoái, cảm thấy như đang đứng giữa thiên nhiên hùng vĩ, lắng nghe tiếng gọi của núi rừng.
Rượu ngô men lá Na Hang
Nếu đã từng đặt chân đến Tuyên Quang mà lại chưa thử qua đặc sản rượu truyền thống Việt Nam – rượu ngô men lá Na Hang thì thực sự là một thiếu sót rất lớn. Hương vị rượu cực kỳ thơm ngọt bởi được nấu hoàn toàn từ ngô và men lá nên cực kỳ an toàn và ngay cả các chị em cũng đều có thể dùng loại rượu này vì sẽ không hề gây ra tình trạng say nặng hay nôn ói như các loại rượu gạo thông thường.
Bước đến ngôi nhà nào tại huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang bạn cũng có thể thấy hình ảnh khói bốc nghi ngút , thơm lừng từ các căn nhà nhỏ. Người dân nơi đây từ trẻ nhỏ đến người già đều biết nấu rượu ngô, biết cách làm men, ủ rượu. Điều đặc biệt nhất tạo nên hương vị của loại rượu này chính là Men lá Na Hang được làm hơn 20 loại thảo dược khác nhau, trong đó cây đứa poóng chính là yếu tố làm nên linh hồn của rượu và chỉ có người ở Na Hang mới có thể tìm được.
Các nguyên liệu làm men sau khi được rửa sạch, phơi khô rồi ngâm với nước lã cho thật ngấu sau đó đem hòa nước này với bột gạo và giềng giã để tạo thành các viên men. Ngô được chọn phải là những hạt mẩy, không bị sâu mọt. Người nấu rượu cần phải cực kỳ có kinh nghiệm để căn độ lửa, nếu không ngô dễ bị khê cháy, rượu sẽ có mùi không ngon.
Rượu truyền thống Việt Nam – rượu nếp cái Hoa vàng
Dạo một vòng miền Bắc thì nếp cái hoa vàng cũng là một loại rượu truyền thống Việt Nam trứ danh khắp các vùng miền. Không ai biết chính xác rằng loại rượu này có nguồn gốc chính xác ở đâu, nhưng nếp cái hoa vàng chắc chắn là một đặc sản trứ danh của miền vùng đồng bằng Bắc Bộ. Một số người cho rằng rượu nếp cái hoa vàng nấu tại Điện Biên, Sơn La ngon nhất bởi có nguồn nước, khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp.
Điểm đặc biệt khiến rượu nếp cái hoa vàng được xếp vào nhóm những loại rượu truyền thống Việt Nam ấn tượng nhất chính là hương vị rượu cực êm, uống không bị gắt, hơi ngọt. Uống nếu say sẽ không bị nhức đầu mà có cảm giác lâng lâng, bồng bềnh nhưng chỉ cần ngủ một giấc sẽ thấy cơ thể khỏe khoắn và sảng khoái hơn cả.
Bên cạnh đó do đặc điểm của gạo nếp cái nên loại rượu này cũng có một màu vàng nhạt óng ánh chứ không phải màu trắng như các loại rượu gạo thông thường. Rượu nếp cái hoa vàng có nồng độ khá cao, càng để lâu càng ngon nên cũng rất được chuộng để ngâm rượu với dược liệu để dùng dần, vừa thơm ngon lại vừa bổ dưỡng.
Rượu Làng Vân Bắc Giang
Vào năm Chính Hòa thứ 24 (khoảng năm 1703), vua Lê Hy Tông đã sắc phong 4 mỹ tự: Vân – Hương – Mỹ – Tửu để miêu tả những hương vị tinh hoa, ấn tượng cho rượu Làng Vân. Ngoài ra loại rượu này cũng có một cái tên dân dã hơn là rượu cuốc lủi với 400 năm tuổi đời, đủ để chứng minh được vị thế và sức hút của mình so với các loại rượu khác.
Rượu Làng Vân ngon nhất phải được dùng từ nếp cái hoa vàng. Hạt gạo được chọn phải đủ chín, căng tròn, không có hạt lép, không được dùng gạo còn non hoặc gạo được thu hoạch khi lúa đổ. Men được dùng là men được làm từ 35 loại thuốc Bắc được tuyển chọn kỹ lưỡng, bởi vậy hương vị rượu mới thơm nồng, ngon ngọt, nồng đượm đến thế. Ngoài ra nguồn nước sông Cầu trong vắt cũng là một trong những yếu tố làm nên hương vị rượu Làng Vân.
Dù hiện nay có rất nhiều công nghệ nấu rượu nhưng người Làng Vân vẫn chuộng nấu rượu thủ công, các nguyên liệu cũng được tự tay chuẩn bị thì mới có thể cho ra được hương vị chuẩn nhất, đúng cái hồn của rượu Làng Vân. Chỉ có vậy thì khi lắc mạnh, ta mới thấy được mặt rượu xoay tròn thành hình chóp nhọn ngược, khi uống thấy dù nặng nhưng vào cổ họng lại êm ru, mềm mại, thanh khiết như mơ.
Rượu truyền thống Việt Nam – Rượu Kim Sơn
Rượu Kim Sơn cũng là một trong những đặc sản trứ danh của vùng đất Ninh Bình xinh đẹp, phù sa và nhiều màu mỡ. Loại rượu này nổi tiếng với hương vị thơm ngon, có nồng độ cao nhưng uống cũng không quá gắt, màu trong suốt. Khi lắc nếu thấy bọt tăm rượu càng to thì chứng tỏ độ rượu càng cao. Trước đây rượu Kim Sơn được chuộng để trong bình sành có lót lá chuối để rượu thơm và êm hơn nhưng hiện nay rượu cũng đã được đựng trong chai thủy tinh để tiện di chuyển đến nhiều nơi hơn.
Người ta thường nấu rượu Kim Sơn từ gạo lứt nếp chiêm nên loại rượu này cũng được gọi là rượu chiêm. Gạo nếp nấu rượu không cần phải xay trắng là chỉ cần xay lứt, sao cho lớp cám bên ngoài phải còn y nguyên thì rượu mới ngon. Men để nấu rượu cũng là men thuốc Bắc được dùng từ 36 vị được làm thủ công. Công thức nấu rượu được truyền tai nhau từ đời này sang đời khác để giữa trọn vẹn được hương vị riêng cho từng vùng miền.
Do có nồng độ cao nên rượu Kim Sơn thường được phái mạnh chuộng nhiều hơn, đặc biệt nếu dùng để ngâm cùng tắc kè, hải mã hay bìm bịp sẽ cực kỳ bổ dưỡng.
Rượu Hồng Đào Quảng Nam
Vào các dịp lễ tết hay cưới hỏi tại Quảng Nam thường rất hay xuất hiện những bình rượu Hồng Đào. Người dân ở đây cũng dùng loại rượu này làm rượu giao bôi giữa cô dâu và chú rể để thêm phần ý nghĩa. Rượu được nấu từ gạo, men và ủ cùng đào nên cho màu hồng đẹp mắt, có vị thơm nhẹ và ngọt dịu nên rất dễ uống, chính các chị em khi đến đây cũng rất thích mua rượu này về uống hay để làm quà biếu tặng người thân.
Gạo để nấu loại rượu truyền thống Việt Nam là lúa nếp Hồng ở Bà Rén vừa được gặt, không được dùng gạo đã để lâu hay gạo quá non. Gạo phải còn vỏ cám màu trắng đục,được nấu và ủ men lá trong chum sành rồi đem chưng cất. Sau khi lên men đạt chuẩn lại tiếp tục đem ủ cùng những quả đào chín mọng, được thái mỏng sau đó đem hạ thổ trong 100 ngày là có thể sử dụng.
Thường trong các dịp đặc biệt người Quảng Nam sẽ chuẩn bị ủ rượu từ sớm bởi rượu phải để càng lâu mới ngon. Màu đỏ hồng óng ánh cũng như một lời chúc may mắn vào dịp năm mới hay chúc phúc cho cô dâu chú rể thêm trăm năm hạnh phúc nên rất thường được dùng trong các dịp này.
Rượu Vang Đà Lạt
Một trong những loại rượu truyền thống Việt Nam và cũng là thức đặc sản trứ danh xứ sở sương mù chính là rượu vang. Với thế mạnh không khí se lạnh, rất thuận lợi để trồng trọt các loại cây ăn trái và ủ rượu đã giúp người dân Đà Lạt sáng tạo nên cũng chai rượu vang sang trọng, hiện đại nhưng vẫn mang đậm màu sắc của quê hương.
Hương vị rượu Vang Đà Lạt thường chát nhẹ, uống vào êm ru, hậu vị ngọt. Rượu được lên men từ các loại trái cây nên có hương vị rất thơm, màu sắc cũng rất đẹp mắt. Phụ nữ hay cả trẻ em đều có thể thưởng thức được loại rượu này vì nó khá ít gây say, hoặc nếu có say cũng không gây đau đầu. Nếu muốn giảm độ để uống người ta có thể cho thêm một chút đá lạnh nhưng thường chỉ khi có phụ nữ hay trẻ em muốn nhấm nháp thì mới dùng cách này.
Đặc biệt giá rượu Vang Đà Lạt không quá cao nhưng vẫn có thể thể hiện được vị thế và đẳng cấp không kém thì các loại rượu vang ngoài thế giới. Bạn hoàn toàn có thể tìm mua rượu vang dễ dàng tại các cửa hàng hay ngay trực tiếp các hầm ủ rượu tại Đà Lạt khi có dịp ghé thăm vùng đất xinh đẹp này.
Rượu Phú Lễ Bến Tre
Bến Tre không chỉ nổi tiếng với dẹo dừa mà còn có rượu Phú Lễ nổi tiếng khắp các tỉnh miền Tây. Khi xưa loại rượu này vốn được dùng để tiến vua chúa bởi hương vị thơm ngon thượng hạng không nơi đây sánh bằng. Rượu được nấu từ các sản vật có sẵn của miền Tây sông nước như gạo nếp, men rượu và đặc biệt là nguồn nước giếng ngọt ngào, trong vắt cũng tạo nên “linh hồn” cho loại rượu này.
Nấu rượu Phú Lễ ngon thì không dùng củi như bình thường mà phải dùng vỏ trấu cả nếp mùa, người nấu phải canh lừa sao cho đằm để rượu không bị khét nhưng cũng không được nhỏ quá vì dễ làm rượu bị đắng. Rượu ngay sau khi ra lò sẽ được đem đi hạ thổ để cân bằng âm dương, để cho thật “nhuần” trong 100 ngày mới có thể đem lên sử dụng.
Trên đây là một số loại rượu truyền thống Việt Nam trứ danh, nổi tiếng ở cả trong nước và trên thị trường quốc tế. Mỗi vùng miền lại có một hương vị rượu đặc trưng riêng, quan trọng là cách bạn trải nghiệm và thưởng thức như thế nào. Nếu có dịp đi du lịch đến mỗi vùng miền, đừng quên thưởng thức hương vị đặc sản riêng để thấy được sự phong phú và tuyệt vời của ẩm thực Việt Nam nhé!
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!